“Trâu gõ mõ, chó leo thang, gà chạy vũ trang, lợn đào công sự” là hình ảnh ví von nhằm ám chỉ mô hình chăn nuôi thả rông, quy mô nhỏ, lạc hậu trước đây. Tuy nhiên, có chàng thanh niên quê hương đất Tổ đã chứng minh điều ngược lại, rằng người Văn Lang đủ trình độ nuôi các giống gà Việt với quy mô xứng tầm thế giới.
Sân của doanh nghiệp nội
Trong hầu hết vật nuôi chủ lực của Việt Nam hiện nay, phải thừa nhận thực tế là sự thống trị của giống nhập nội có nguồn gốc nước ngoài. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của rất nhiều giống gà lông màu bản địa. Song song với đó là việc hình thành nên những doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giống gà lông màu với quy mô ngang tầm thế giới mà mỗi khi nhìn vào, chúng ta đều không khỏi tự hào bởi sân chơi này đã thuộc doanh nghiệp nội.
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện các doanh nghiệp nội đang chiếm trên 90% thị phần giống gà lông màu với quy mô khoảng 150 triệu con/năm. Trong đó, lớn nhất là Dabaco với sản lượng 30 triệu con/năm, tiếp đến là Minh Dư, Lượng Huệ, Phùng Dầu Sơn, Hòa Phát, Thụy Phương, Cao Khanh, Bình Minh, Gò Công…
Tiếp nối thành công của những doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm nội địa, quá trình chăn nuôi thực tế đã chọn lọc, hình thành rất nhiều chủ trại, HTX chăn nuôi gà lông màu kiểu mới quy mô hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn con cùng trình độ, tư duy quản lí, vận hành hiện đại, linh hoạt và không kém phần hiệu quả.
Trong giới chăn nuôi gà lông màu tại miền Bắc, không ai không biết tới cao thủ được vinh danh “Người nuôi gà màu lớn nhất Bắc Bộ” Lê Thành Sự (SN 1984), Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn (Thanh Ba, Phú Thọ). Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn Lê Thành Sự Hiện tại, HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn đang duy trì tổng đàn gà lông màu lên tới trên 100.000 con, riêng cá nhân Lê Thành Sự chiếm khoảng 40 - 50% với quy mô đàn thường trực 40.000 - 50.000 đầu gà, con số vô cùng ấn tượng nếu đem so sánh với quy mô 5.000 - 10.000 phổ biến hiện nay tại những trang trại nuôi gà trắng gia công cho nước ngoài.
Gà J-Dabaco nuôi tại HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn
"Đông Tây y" kết hợp
Nếu trong suy nghĩ người chăn nuôi, chuyên gia, người làm chính sách mà giờ này vẫn hình dung chăn nuôi gà lông màu, gà thả vườn gà phải ngủ trên cây, chạy loăng quăng giống thương hiệu gà đồi Yên Thế từng một thời rầm rộ thì nên suy nghĩ lại, bởi thực tế cho thấy, người nuôi gà Bắc Giang đang phải trả giá rất lớn cho mô hình hướng này.
Theo Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn Lê Thành Sự, đi rất nhiều mô hình chăn nuôi gà lông màu trên cả nước, anh nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt nguồn đất vô cùng nan giải do phân gà lưu cữu lâu ngày. Thêm vào đó, gà đi lại nhiều nên đất bị chai lì, giun không hoạt động khiến môi trường trầm trọng hơn và đó chính là mầm mống của nhiều loại bệnh, dịch.
Anh Lê Thành Sự chia sẻ, chuồng trại nuôi gà lông màu của HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn được thiết kế theo kiểu “Đông Tây y kết hợp". Tức là giống gà phương Đông trên hệ thống chuồng nuôi, vận hành, quản lí theo phong cách phương Tây.
Theo đó, giống gà anh Sự lựa chọn là J-Dabaco bởi sự đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm, ngon, giòn dai hợp với khẩu vị người Việt phía Bắc cộng ưu thế lớn nhanh, quy mô lớn, độ chuyên nghiệp cao do thừa hưởng lợi thế lai của khoa học phương Tây.
Cụ thể, mỗi khu chuồng nuôi gà của anh Sự được quy hoạch tổng diện tích khoảng 2.000m2, bao gồm 2 dãy chuồng nhốt gà quay mặt vào nhau rộng 1.000m2 (mỗi chuồng 500m2 và nuôi được 5.000 con), khu vực sân chơi ở giữa 2 chuồng rộng chừng 1.000m2. Phần sân chơi cho gà được thiết kế hệ thống giàn khung thép kiên cố có tuổi thọ cao, khấu hao dài kết hợp nền sân phía dưới là đất pha cát.
Lý giải chi tiết mô hình, anh Lê Thành Sự bật mí, không giống con gà trắng công nghiệp ăn đâu nằm đấy, gà lông màu rất cần ánh nắng vào mùa đông để sưởi ấm và tạo mầu cho lông nên anh để trống khoảng sân ở giữa để tùy chỉnh ánh sáng, bước sang mùa hè cần mát chỉ cần trồng mướp cho leo giàn là xong.
Riêng bí kíp xử lí chất thải môi trường sau mỗi lứa gà, anh Sự cho xới lại đất tại khu vực sân chơi ở giữa 2 khu chuồng rồi tiến hành gieo ngô dầy lên đó. Nhờ đất pha cát mềm nên giun hoạt động rất mạnh kết hợp cây ngô nhu cầu dinh dưỡng rất cao nên chỉ sau hoảng 1 tuần các chất cặn bã từ phân gà trong đất được giun đất và ngô xử lí hoàn toàn. Khi lá ngô chuyển màu vàng do đất hết dinh dưỡng, anh Sự tiến hành thu hoạch làm thức ăn xanh cung cấp vitamin, giúp gà hạn chế cắn mổ nhau.
Nhờ cải tiến chuồng nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vacxin nên đa phần các đàn gà của HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn xuất chuồng sớm hơn so với các trang trại khác từ 5 - 10 ngày (75 - 80 ngày xuất bán), qua đó lợi nhuận tăng đáng kể bởi giá thành luôn thấp hơn thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg.
“Nên hạn chế tối đa việc phải dùng thuốc, bởi con gà dùng kháng sinh ngày nào sẽ dừng phát triển ngày đó trong khi cám nó vẫn ăn. Vì vậy, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm quy trình vacxin, sử dụng thương hiệu thức ăn chăn nuôi uy tín kết hợp mô hình chuồng nuôi phù hợp nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh. Những bí quyết đó giúp gà của HTX Đỗ Sơn thường xuất chuồng sớm hơn song biểu cân vẫn đạt và đây cũng chính là một lợi thế cạnh tranh của chúng tôi”, anh Lê Thành Sự nói.
Cũng theo anh Sự, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay, việc thành lập các HTX kiểu mới để liên kết nông dân là vô cùng quan trọng, cần thiết để tạo ra sức mạnh mới mong có lợi nhuận, bởi chắc chắn giá gà không có biến động biên độ lớn như trước đây nữa. Khi đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó tồn tại mà chỉ chuyên nghiệp mới đủ sức.
Là thủ lĩnh của HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn, anh Sự luôn xác định chấp nhận chút phần thiệt về mình, đổi lại anh phải là người có quyền quyết đầu vào, đầu ra với các hội viên trong HTX. Cụ thể, các hội viên tham gia HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn đều được anh Sự hỗ trợ 70% chi phí xây chuồng, con giống, thuốc, vacxin… các hộ dân chỉ phải bỏ ra 30% kinh phí để gắn tinh thần trách nhiệm. Ngược lại, việc mua giống gà gì, vào gà thời điểm nào, chọn đối tác nào cung cấp thức ăn các xã viên phải chấp hành việc điều tiết của ông chủ nhiệm.
Nếu các hộ dân tuân thủ đúng quy trình đưa ra, anh Lê Thành Sự tiếp tục cam kết đầu ra cho các xã viên với giá bán tốt nhất so với thị trường lúc bấy giờ. Nhờ đó, các hộ dân đã tham gia HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn đều gắn bó lâu dài đến tận ngày nay, hiện quy mô đã lên tới trên 50 thành viên..
Gọi là gà thả vườn, nhưng theo anh Lê Thành Sự phải thả đúng lúc, đúng chỗ bởi gà thân nhiệt cao nên nếu thả ra không may gặp trời mưa nhiệt độ giảm đột ngột gà hay bị sốt dẫn tới tiêu chảy, vừa tốn kém tiền thuốc thang, cám bã lại hao hụt. Chỉ nên thả gà ra sân chơi trong tháng cuối khi gà chuẩn bị xuất chuồng, lúc này gà đủ sức đề kháng, việc thả gà ra nắng giúp mẫu mã đẹp, thịt săn chắc hơn.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn Lê Thành Sự
Theo anh Lê Thành Sự, để HTX hoạt động ổn định, phát triển bền vững chuồng trại, quy trình chăn nuôi ưu việt không thôi chưa đủ mà cần cả mô hình quản trị tài chính, sản xuất hợp lí. Theo đó, với tổng doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm, ngày nào HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn cũng vào gà, bán gà và nhập 10 tấn cám nên đồng vốn luôn được quay vòng, áp lực lãi suất từ đó giảm đi đáng kể.
Theo Nguyên Huân/Báo Nông nghiệp Việt Nam